GIẢI MÃ LỊCH SỬ VÀ DI SẢN NGHỆ THUẬT CHIẾU SÁNG TRONG NHÀ TRẮNG

Những năm đầu thế kỷ 19, thiết kế chiếu sáng tại Nhà Trắng có phong cách khá đơn giản và theo xu hướng chung của thế giới lúc bấy giờ. Ngôi nhà của Tổng thống Mỹ đương nhiệm vào năm 1800 (John Adams) tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tràn qua các ô cửa sổ trải dài với kích thước lớn (Mỗi cô cửa cao 4,3m và rộng 1,5m).

Gia đình Tổng thống đầu tiên sinh sống trong Nhà Trắng và đội ngũ gia nô giúp việc khi đó đã kéo các bộ bàn ghế sát các ô cửa sổ, tận dụng ánh sáng mặt trời chiếu qua các ô cửa để đọc và viết, khâu vá hay đánh bóng các đồ vật và dụng cụ bằng bạc, còn thời gian từ chiều tối cho đến đêm khi mà mặt trời đã lặn, các loại đèn dầu và nến lại được thắp sáng.

 Loại dầu được sử dụng để thắp sáng cho đèn lúc bấy giờ được làm từ mỡ động vật hoặc thực vật, nguồn cung cấp thì dư thừa, giá thành thì rẻ nên rất được ưa chuộng. Nến thì lại có rất nhiều loại; loại thông thường sau khi đã cháy hết, người ta tiếp tục tận dụng sáp nến nung chảy để làm ra những cây nến mới, các gia nô làm việc trong Nhà Trắng thì luôn ưa chuộng loại nến trắng, thon dài trang nhã, cháy được lâu và dự trữ riêng cho các dịp trọng đại.

Các phòng khách tiết sang trọng được ưu tiên sử dụng các loại đèn thả treo nhiều ngọn thắp sáng bằng nến -  cách an toàn nhất để thắp sáng cho các phòng tiếp đón lúc nào cũng đông đúc; đèn lồng cỡ lớn thắp bằng dầu thì được sử dụng tại các đại sảnh. Tới đời Tổng thống thứ 3 (Thomas Jefferson) và thứ 4 (James Madison), đèn dầu Argand -  một loại dầu với thiết kế cải tiến có độ sáng gấp sáu lần so với nến bắt đầu được đưa vào sử dụng.


Đèn dầu Argand

      Các ngọn nến vẫn được xem như công cụ chính để thắp sáng từ trên cao cho tới khi Andrew Jakson (Tổng thống đời thứ 7 của nước Mỹ) cho lắp những ngọn đèn dầu bằng thủy tinh vào các chùm đèn thả treo nhiều ngọn tại East Room (Phòng lớn dành cho việc tổ chức sự kiện và tiếp đón khách). 

     Năm 1848 – năm đương nhiệm của Tổng thống đời thứ 11 James Polk, đèn sử dụng khí gas bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Tổng thống James Polk đã cho lắp đặt các đường ống dẫn khí nối thẳng tới các chùm đèn thả treo được sử dụng tại State Floor. Đệ nhất phu nhân khi ấy là Quý bà Sarah Polk lại không mấy hứng thú với việc sử dụng đèn khí gas, bà nhất quyết chỉ cho dùng nến để thắp sáng các chùm đèn tại Blue Room bởi nến cho ánh sáng mềm và dịu nhẹ hơn. Vào đêm mà đèn khí gas lần đầu được thắp sáng trong Nhà Trắng, do sự cố thiếu nguồn khí đốt nên hầu hết các phòng đều chìm vào bóng tối, những ngọn nến của Đệ nhất phu nhân Sarah đã “giải nguy” cho tất cả. Tuy nhiên, càng về sau đèn khí gas hoạt động càng hiệu quả và là nguồn sáng nhân tạo chủ yếu chiếu sáng cho Nhà Trắng thời kỳ Nội Chiến (Civil War).

     Cuộc cải tạo thiết kế cho East Room diễn ra trong khoảng thời gian 1873-1874 thuộc đời Tổng thống thứ 18 Ulysses S. Grant đã biến căn phòng trở nên rực rỡ, lung linh hơn nhờ việc bổ sung thêm một số chùm đèn thả treo nhiều ngọn với kích thước lớn thắp bằng khí gas. Đầu thế kỷ 20, East Room được trang hoàng theo phong cách kiến trúc Victorian (các phong cách kiến trúc phục hưng được ưa chuộng vào nửa cuối thế kỷ 19), sau đó lại bị chế giễu vì phong cách kiến trúc “Steamboat Gothic” (một phong cách kiến trúc với kiểu trang trí công phu và cầu kỳ), từ đó mở đường cho phong cách kiến trúc cổ điển Beaux-Arts được áp dụng vào năm 1902.

East Room 1873    

    Điện bắt đầu xuất hiện tại Nhà Trắng vào năm 1891 thuộc nhiệm kỳ của Tổng thống đời thứ 23 Benjamin Harrison. Được lên kế hoạch như một phần của dự án với ngân sách khá lớn là: Lắp đặt lưới điện cho toàn bộ tòa nhà State, War, and Navy (Nay có tên gọi là Eisenhower Executive Office Building – Tòa nhà văn phòng điều hành của Chính phủ Mỹ) nằm ngay sát Nhà Trắng, lưới điện được lắp đặt tại Nhà Trắng khi ấy được cung cấp bởi công ty EDISON. Một máy phát điện chung sử dụng để cung cấp điện cho cả hai toà nhà được đặt tại tầng hầm của tòa nhà State, War, and Navy, các đường dây điện được kéo xuyên qua bãi cỏ và dẫn điện vào Nhà Trắng  từ bên dưới khu nhà kính.

Ban đầu, phương án chiếu sáng đơn thuần chỉ là sử dụng đèn khí gas nhưng rồi hết ý tưởng này tới ý tưởng kia, tất cả các phòng cuối cùng đều được thắp sáng bằng điện. Các đường dây điện được chôn dưới lớp thạch cao nối tới các công tắc tròn được lắp tại mỗi phòng để bật tắt dòng điện. Tới đời tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt, việc sử dụng đèn điện đã trở nên hết sức phổ biến tại các hộ gia đình tại Mỹ. Toàn bộ hệ thống đường điện đã được thay thế trong cuộc đại tu bổ và sửa chữa Nhà Trắng vào năm 1902, duy chỉ có các khu vực dịch vụ là còn sử dụng các loại đèn thả sử dụng khí gas, và đây cũng chỉ là phương án phòng ngừa trong trường hợp lưới điện gặp sự cố.

Năm 1902 khi mà Tổng Thống Theodore Roosevelt đã thay đổi diện mạo của Nhà Trắng nhờ phong cách kiến trúc cổ điển Beaux-Arts, các kiến trúc sư là McKim, Mead và White đã ủy nhiệm cho Công ty Edward F. Caldwell & Co. tại NewYork (Một trong những công ty thiết kế và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, đồ trang trí từ kim loại danh tiếng trong khoảng cuối thế kỷ thứ 19, giữa thế kỷ thứ 20) cung cấp các thiết bị chiếu sáng cho Nhà Trắng.

Các chùm đèn tại East Room năm 1889


Các chùm đèn tại East Room năm 2004

Dấu ấn ngoạn mục nhất mà công ty này làm được đó là cung cấp những ngọn đèn treo thả với kích thước khổng lồ tại East Room, được làm từ loại kính có hoa văn trạm nổi và đồng mạ, thiết kế bởi Christoph Palme & Co. tại Bohemia (thuộc Đế quốc Áo-Hung). Chỉ một năm sau đó, các chùm đèn đều phải hạ xuống để điều chỉnh giảm đi kích thước phần dưới của từng chiếc. Trong cuộc Cải tiến Truman (1948-1952), thiết kế của chúng lại được sửa đổi và rút ngắn hơn so với ban đầu, mỗi chùm đèn ước tính được ghép thành từ  khoảng 6000 mảnh kính và nặng khoảng 544kg.

Một thiết kế nổi tiếng khác của Caldwell được treo tại sảnh North Portico vào năm 1902 là một lồng đèn với thiết kế đặc biệt từ sắt rèn và kính. Treo lơ lửng dưới hiệu ứng ánh sáng chiếu rọi tại sảnh North Portico, lồng đèn của Caldwell vô hình chung đã tạo nên một backdrop (tấm màn sân khấu) rực rỡ phục vụ cho các chuyên mục tin tức hàng đêm trên truyền hình của các phóng viên đưa tin tại Nhà Trắng.



Nhà Trắng bừng sáng vào ban đêm năm 2005

     Sau cuộc cải tạo và nâng cấp lưới điện vào năm 1902, toàn bộ hệ thống điện trong Nhà Trắng đã được thay thế toàn diên trong cuộc Cải tiến Truman, sau đó vẫn tiếp tục cải tiến và thỉnh thoảng còn có cả những cuộc thử nghiệm công nghệ mới. Vào năm 1979, Tổng thống đời thứ 39 của Mỹ là Jimmy Carter đã cho lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên nóc của khu vực West Wing, phía trên của Cabinet Room để lấy nước ấm phục vụ cho tập thể đội ngũ nhân viên làm việc tại Nhà Trắng.

Các tấm năng lượng sau đó lại phải gỡ bỏ vào năm 1986 do chiến dịch cải tạo lại hệ thống mái và xuất hiện trở lại vào năm 2014, khi đó chúng được lắp thẳng lên khu mái chính để tạo nguồn năng lượng tái tạo.

Việc bảo tồn các chùm đèn mang dấu tích lịch sử của Nhà Trắng chính là bảo tồn di sản nghệ thuật ánh sáng mà các thế hệ đi trước để lại  (bao gồm rất nhiều các chùm đèn treo thả, các lọai đèn tường trạm trổ và các chúc đài nến có niên đại từ thế kỷ 18, 19), đó là nhiệm vụ tối quan trọng đối với Văn phòng quản lý phụ trách việc trông nom địa điểm lịch sử này. Bộ sưu tập lịch sử bao gồm 21 chùm đèn: 2 chiếc tại Ground Floor, 9 chiếc tại State Floor (đã bao gồm 3 chùm lớn tại East Room) và 10 chiếc tại Second Floor.

Hiệp hội lịch sử Nhà Trắng (thành lập năm 1961 bởi Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy) đóng góp một phần trong nhiệm vụ bảo tồn Nhà Trắng đã cung cấp kinh phí cho việc bảo tồn bộ sưu tập này. Ngoài ra, Hiệp hội này còn hỗ trợ diễn giải và làm sáng tỏ lịch sử phát triển của di sản nghệ thuật ánh sáng nơi đây.

Nguồn: The White House Historical Association

Biên dịch: Direwolf - CROMLED TÂM TỎA SÁNG

top